Ngày 06-12-2010, Bộ Tư pháp đã ban hành thông tư 23 về bán đấu giá tài sản với những quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 của Chính phủ về việc bán đấu giá tài sản. Vậy cùng tìm hiểu Thông tư 23/2010/TT-BTP bao gồm những điều đáng lưu ý nào?
Bán đấu giá tài sản là gì?
Bán đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản công khai để nhiều người có thể được tham gia trả giá mua một tài sản. Những người tham gia vào quá trình mua tài sản bán đấu giá phải nộp một khoản lệ phí theo quy định của pháp luật. Khoản phí này là để ràng buộc người đã đăng ký phải tham gia đấu giá hoặc trong trường hợp không mua tài sản thì số tiền này không được hoàn lại. Nếu họ có tham gia việc đấu giá nhưng không mua được thì họ sẽ được nhận lại số lệ phí đã đóng.
Khi tham gia vào việc đấu giá tài sản, người nào trả giá cao nhất và không thấp hơn giá khởi điểm thì người đó có quyền mua tài sản. Nếu trong phiên bán đấu giá mà không có ai trả giá cao hơn giá khởi điểm thì phiên bán đấu giá đó xem như không thành và sẽ được tổ chức lại.
Thông qua hình thức này, quyền lợi của người có tài sản sẽ được thỏa mãn một cách tối ưu nhất, còn người mua sẽ mua được tài sản với giá cả phù hợp nhất, những quyền lợi của người mua liên quan đến tài sản đã mua sẽ được đáp ứng 1 cách nhanh chóng.
Những việc cần quan tâm trong thông tư 23 về bán đấu giá tài sản
Thông tư 23 về bán đấu giá tài sản quy định: Việc thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để tiến hành việc bán đấu giá tài sản phải được thông báo công khai đến những tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp ở địa phương và phải được thông báo ít nhất hai lần và mỗi lần cách nhau ba ngày trên những phương tiện thông tin đại chúng địa phương hoặc Trung ương.
Những cơ sở đào tạo nghề đấu giá được tổ chức khóa đào tạo nghề theo định kỳ hoặc căn cứ vào nhu cầu đào tạo thực tế. Học viên đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn của khóa đào tạo nghề sẽ được cấp Chứng chỉ đào tạo nghề đấu giá. Đấu giá viên bắt buộc phải đeo thẻ trong khi điều hành phiên bán đấu giá tài sản. Cuộc bán đấu giá tài sản được thực hiện thông qua một trong những hình thức như sau: đấu giá trực tiếp bằng lời nói; đấu giá bằng bỏ phiếu hoặc những hình thức đấu giá khác theo thỏa thuận của người có tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản. Thông tư 23 về bán đấu giá tài sản đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/01/2011, thay thế Thông tư số 03/2005/TT-BTP của Bộ Tư pháp về hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ về vấn đề bán đấu giá tài sản.
Những đối tượng liên quan
Người bán đấu giá
Người bán đấu giá tài sản là những trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản do Sở tư pháp trực tiếp quản lý hoặc những tổ chức kinh doanh dịch vụ bán đấu giá đủ tư cách pháp nhân. Những tổ chức đấu giá tài sản bao gồm doanh nghiệp đấu giá tài sản và Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản.
Người có tài sản bán đấu giá
Người có tài sản đấu giá chính là cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản đó ủy quyền cho phép bán đấu giá tài sản hay người có quyền mang tài sản ra đấu giá theo thỏa thuận hoặc tuân theo quy định của pháp luật.
Người sở hữu tài sản bán đấu giá cần phải ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá. Những bên bàn bạc định giá ở khởi điểm bán đấu giá và giá khởi điểm do người bán tài sản quyết định. Nhưng cũng cần phải tham khảo ý kiến của người bán đấu giá để dễ dàng hơn trong định giá tài sản phù hợp với giá thị trường.
Người mua tài sản bán đấu giá
Người mua tài sản được bán đấu giá có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Người mà trả giá cao nhất mà không thấp hơn giá khởi điểm sẽ được mua tài sản đấu giá. Nếu người trả giá cao nhất rút lại giá đã mua trước khi người điều hành bán đấu giá tuyên bố mua được tài sản thì phiên bán đấu giá tiếp tục và sẽ bắt đầu từ giá liền kề. Người rút lại giá trong trường hợp này không được hoàn trả số tiền đặt trước vì số tiền này thuộc về người có tài sản.
Trường hợp người trả giá cao nhất đã được mua tài sản đấu giá, tuy nhiên sau đó lại đổi ý không mua thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề đó, nếu người được ưu tiên này không mua tài sản thì cuộc bán đấu giá không thành. Người trả giá cao nhất không mua sẽ mất số tiền đã đặt cọc trước – số tiền bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng.
Bài viết về những điều cơ bản quy định trong thông tư 23 về bán đấu giá tài sản. Hy vọng những bạn đã hiểu được về những điều cần lưu ý trong thông tư này.