Khởi nghiệp là một trong những biện pháp thúc đẩy sự phát triển kinh tế của quốc gia. Việt Nam là một trong những nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới nhưng khả năng thành công lại thấp. Cùng tìm hiểu thực trạng khởi nghiệp tại Việt Nam và những hạn chế dẫn đến thất bại qua bài viết này.
Tìm hiểu về thực trạng khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay
Việt Nam hiện có khoảng 760 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động và hơn 7 triệu hộ đang kinh doanh. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 97% trên tổng số doanh nghiệp. Với tinh thần “quốc gia khởi nghiệp” thì mục tiêu năm 2020 sẽ đạt được con số 1 triệu doanh nghiệp. Từ đó có thể thấy rằng thực trạng khởi nghiệp tại Việt Nam cực kỳ sôi nổi.
Làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam ngày càng gia tăng nên Chính phủ đang nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống Pháp Luật để hỗ trợ việc khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, còn có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp khác được triển khai mạnh mẽ. Nhờ có sự giúp đỡ từ nhà nước mà nhiều cộng đồng khởi nghiệp được hình thành và phát triển có hiệu quả cao như: Starthub.vn, Twenty.vn, Startup.vn. Ngoài ra một số đơn vị ươm mầm và hỗ trợ khởi nghiệp cũng được hình thành như: Topica Founder Institute, 5 Desire, Hatch!Program,…..
Doanh nghiệp khởi nghiệp tăng mạnh, gấp 1.6 lần so với năm 2011 – 2015
Thông tin từ Cục Quản lý kinh doanh (Bộ kế hoạch và đầu tư), giai đoạn 2016 – 2019 Việt Nam có trên 126.000 doanh nghiệp mới. Tăng hơn 1.6 lần so với giai đoạn 2011 – 2015.
Theo Tạp chí Echelon thì Việt Nam có trên 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 50 cơ sở khởi nghiệp và tổ chức giúp thúc đẩy hoạt kinh doanh trên cả nước. Ngoài ra còn có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đang được hoạt động tại Việt Nam.
Việt Nam là nước đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp bắt đầu khởi nghiệp và top 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia đánh giá.
Tuy nhiên thì Việt Nam cũng nằm trong top 20 quốc gia có hoạt động kinh doanh thất bại nhiều. Chỉ có 3% trong tổng số các doanh nghiệp khởi nghiệp được xem là thành công. Do đó có thể thấy được khoảng cách giữa khát vọng, ý chí và hành động cụ thể để đạt được mục tiêu là quá lớn. Chính vì vậy mà sự hỗ trợ của các thể chế cũng như chính sách sẽ giúp ích trong việc tiến tới gần hơn khát vọng và hành động.
Hạn chế dẫn đến khởi nghiệp thất bại tại Việt Nam
Hạn chế đầu tiên cần nhắc đến chính là vốn và cơ chế chính sách liên quan đến việc huy động nguồn vốn. Với nguồn vốn hạn hẹp thì khả năng vay vốn cũng như kêu gọi đầu tư tương đối khó khăn.
Tiếp đó là hạn chế về cơ sở vật chất trong việc nghiên cứu phát triển dự án. Trang bị cho máy móc, thiết bị, phát triển ý tưởng và sản phẩm tiêu tốn quá nhiều chi phí. Ngoài ra thì khả năng quản trị, điều hành kinh doanh cũng như cách quảng bá sản phẩm còn chưa phát triển.
Đa số các doanh nghiệp khởi nghiệp đều chuyên về kỹ thuật, công nghệ. Vì thế họ thiếu kiến thức về kinh doanh, kinh tế cũng như các kỹ năng cần thiết để quản lý doanh nghiệp.
Việc gia nhập thị trường còn hạn chế bởi khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính của doanh nghiệp còn kém. ( Đăng ký kinh doanh, giấy phép, giấy tờ liên quan đến doanh nghiệp, bảo hỗ sở hữu trí tuệ,…)
Nhìn chung thì thực trạng khởi nghiệp tại Việt Nam “ồ ạt” nhưng kiến thức về quản lý chưa có đủ. Bên cạnh đó họ còn chưa thể ý thức được nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của những doanh nghiệp đi trước để rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Khởi nghiệp rất tốt nhưng cần nắm rõ những thuận lợi và khó khăn của bản thân cũng như nắm rõ thị trường để đưa ra chiến lược phù hợp.